Bọt biển Địa Trung Hải (Sea Sponge) L

  • Mô tả
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Thông tin bổ sung

Mô tả

Bạn biết truyện cổ tích Nàng tiên cá của nhà văn – nhà thơ nổi tiếng người Đan Mạch Hans Christian Andersen chứ? Chuyện kể rằng khi hoàng tử và công chúa nước láng giềng kết hôn, trái tim bé nhỏ của nàng tiên cá tan vỡ. Nàng gieo mình xuống biển, cơ thể dần tan thành bọt biển. Một cái kết đáng buồn cho mối tình mãnh liệt, đầy cao thượng và hy sinh hết lòng.

Tuy nhiên, câu chuyện ngày hôm nay tôi muốn kể với các bạn lại không phải là câu chuyện về Nàng Tiên Cá mà là câu chuyện về bọt biển. Và bọt biển trong câu chuyện của tôi cũng chẳng có họ hàng hang hốc gì với bọt biển trong câu chuyện cổ tích kia cả.

Vâng, nói chung là bạn hãy quên hết những vấn đề không liên quan mà tôi vừa dẫn nhập phía trên nhé. Bởi vì chúng ta sẽ quay lại đời sống thực với một sản phẩm đến từ thiên nhiên vô cùng thiết thực mà tôi muốn giới thiệu với các bạn, đó chính là bọt biển Địa Trung Hải (Mediterranean sea sponge).

Trước hết, ta tìm hiểu sơ qua bọt biển là gì đã nhé.

Không như nhiều người lầm tưởng (và cả tôi cũng vậy), hình dáng bọt biển tạo cho chúng một vẻ bề ngoài ngây thơ, thân thiện vô số tội như một loài tảo thực vật. Song, nó đã được nghiên cứu khoa học đánh giá và kết luận là một loại động vật đa bào nguyên thủy có cấu tạo cơ thể đơn giản nhất. Bằng cách gắn chặt mình vào một đối tượng khác mang tính bền vững hơn (như san hô, các ghềnh đá, bãi đá, vỏ sò, ốc…), bọt biển thả trôi dòng đời của mình và phó mặc cho số phận đưa đẩy thức ăn đến tận miệng của chúng.

Sponge, theo thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là Porifera, nói nôm na dễ hiểu là: sinh ra nhiều cái lỗ. Thật vậy, bọt biển là một tổ hợp chằng chịt chi chít các cơ quan hở tí hon gọi là lỗ ostia, tất cả đều có điểm nối vào tận bên trong cũng lại là một cái lỗ lớn hơn, gọi là oscula. Nhờ “đeo mang” lỗ quá trời lỗ như vậy nên cách “ăn uống” của bọt biển cũng khá độc đáo, chúng hút các loại vi khuẩn, vi sinh vật nhỏ có trong nước vào cơ thể đồng thời điều hòa lượng nước chảy, lượng oxy và chất thải ra ngoài. Các tế bào gai của chúng làm nhiệm vụ… mà thôi nhiệm vụ gì thì kệ nó đi. Đơn giản, bạn hãy hình dung đến một vật có tính thấm hút… thấm hút… Thôi, cũng đừng hình dung tới nữa. Tôi biết bạn đang nghĩ đến cái gì rồi.

Hầu hết bọt biển đều là loài lưỡng tính nhưng mỗi con chỉ sản xuất một loại giao tử mà thôi (nghĩa là một số tự đóng vai trò con đực và một số khác đóng vai trò con cái, mặc dù tất cả đều có khả năng “sản xuất” và “phát hành” như nhau). Ấu trùng phù du được kết hợp từ hai loại giao tử trôi nổi tung tăng trong nước cho đến khi tìm được cho mình một bờ bến mới để “định cư” và “xây tổ ấm”. Sau một thời gian nghỉ ngơi thư giãn, bọt biển mẹ và cha lại đến chu kỳ “tái sản xuất”, lúc này, nó có thể thay đổi vai trò tín dục (từ sản xuất giao tử đực sang  giao tử cái hoặc ngược lại) tùy thuộc vào tâm trạng (Tôi đùa đấy, bởi vì chúng không có cơ và hệ thần kinh hay khả năng vận động nên có thể xem như chúng là loài vô cảm và nhàm chán).

Trên thế giới, người ta xác định có khoảng hơn 5.000 loài bọt biển đang tồn tại ở các hình dáng, màu sắc, kích thước, kết cấu và độ tuổi khác nhau. Vì không có gì phải lo lắng, buồn rầu, tức giân, đau đớn hay hạnh phúc nên vòng đời sinh trưởng của bọt biển vô cùng chậm chạp và nhàn nhã như chúng sinh ra là để nằm bên ngoài vòng tuần hoàn của sự sống vậy. Từ vài tháng đến hai mươi năm hoặc hơn là khoảng thời gian tồn tại của bọt biển. Sống chậm rãi, tăng trưởng với kích thước vừa phải và không làm ảnh hưởng đến ai, vô cùng thân thiện như một cô thôn nữ.Tuy nhiên, đó là trước khi con người phát hiện ra giá trị kinh tế của chúng. Hoàn toàn không nhiều, chỉ có khoảng 12 loài trong số 5.000 loài bọt biển được ứng dụng vào nhu cầu thương mại của con người.

Loại bọt biển bé nhất chỉ có kích thước khoảng 2,5cm trong khi danh hiệu bọt biển khổng lồ nhất thuộc về loài Monoraphus với kích thước hơn ba mét. Hầu hết chúng đều có lớp ngoài cứng và rắn chắc để bảo vệ các lỗ nhỏ và cấu trúc mềm mại bên trong. Để được chọn lựa làm sản phẩm mang tính ứng dụng cao, chúng phải được gọt dũa và lựa chọn ra loại có cấu trúc mềm, mượt, êm và có tính …thấm hút tốt nhất.

Bọt biển phát triển mạnh trong nhiều vùng khí hậu & đại dương – từ nhiệt đới đến vùng cực – và có thể tồn tại ở tất cả các vĩ độ – từ khu vực bãi triều xuống đến vùng sâu nhất của biển, trong đó có hang động trên biển, nơi có ít hoặc không có ánh sáng. Trong số những loại bọt biển được con người thu hoạch và sử dụng, chất lượng cao nhất của bọt biển phải kể đến đầu tiên là vùng biển nhiệt đới, đặc biệt là các vùng Địa Trung Hải, Aegean, và Biển Đỏ.

Việc thu hoạch bọt biển đã trở thành làng nghề truyền thống của nhiều nơi trên thế giới, được quy định và thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ để không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này. Khi đến mùa đánh bắt, ngư dân thường phải lặn khá sâu xuống vùng nước có bọt biển, dùng dao và móc chuyên dụng để khai thác, tuy nhiên vẫn đảm bảo chừa lại ít nhất 2-3cm sát gốc để bọt biển tái sinh. Bởi vì sau khi bị cắt đi, một miếng bọt biển sẽ mọc lại trong vài năm, thậm chí trở nên lớn hơn và khỏe mạnh hơn bọt biển ban đầu. Sự tái sinh mạnh mẽ của chúng đã gây kinh ngạc cho các nhà khoa học đến mức là những mảnh thân thể rơi ra của một con bọt biển này cũng có thể tự nỗ lực để phát triển thành một con bọt biển mới, thầm lặng và đầy nhẫn nại.

ĐỪNG ĐÁNH ĐỒNG BỌT BIỂN NHƯ MỘT MIẾNG XƠ MƯỚP RỬA CHÉN TRƯỚC KHI BẠN THẬT SỰ TRẢI NGHIỆM NÓ.

Thật vậy, bọt biển từ lâu đã được xem là một sản phẩm ứng dụng có giá trị cao và mang tính “luxury” đối với nhiều quốc gia sản xuất, xuất khẩu cũng như sử dụng chúng. Độ mềm mại, khả năng thấm hút cao, hạn sử dụng dài, an toàn và thân thiện với môi trường là những điều không cần phải bàn cãi về bọt biển nói chung.

Một số ứng dụng phổ biến nhất của bọt biển, đó là: làm bông tắm cho trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn, người già… ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm (bông tẩy trang, bông trang điểm, tẩy tế bào chết), vệ sinh cá nhân (vâng, nhờ độ thấm hút tuyệt vời của nó mà nhiều phụ nữ từ xưa đến nay đã sử dụng bọt biển như một loại tampon an toàn vào chu kỳ kinh nguyệt), tắm rửa vật nuôi, rửa xe cao cấp, con lăn sơn tường, nghệ thuật, trang trí, vẽ tranh màu nước, đạo cụ chụp hình, sơ cứu cầm máu, chải lông ngựa, rửa bát đĩa, làm sạch sàn nhà…

Đặc biệt, các loại bọt biển xếp vào loại cao cấp có giá thành không dưới 15 bảng Anh cho một miếng kích thước chỉ 5 inches chính là sự thay thế đáng kinh ngạc cho các loại bông tắm nhân tạo tổng hợp. Chúng vừa có khả năng thấm hút cao, độ mềm mại tuyệt hảo, không giữ lại mùi và độ bền tốt hơn so với các miếng bông tổng hợp có thể ảnh hưởng tới làn da, đặc biệt là làn da non nớt của trẻ hay da nhạy cảm của người lớn. Đặc biệt, bọt biển tự nhiên không gây dị ứng và không phát tán độc tố tự do như sợi tổng hợp, lại hoàn toàn phân hủy sinh học, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt hơn nữa, đó là trong bọt biển có rất nhiều khoáng chất biển giúp ngăn chặn sự phát triển của mùi, mấm mốc và vi khuẩn, rất có lợi cho sức khỏe con người.

Những loại bọt biển nổi tiếng được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường hiện nay có thể kể đến các loại như Mediterranean Fine Silk, Rock Island Wool, Prime Wool, Mexican Yellow, Honeycomb, Grass, Atlantic Silk, Barrel/Vase, Finger, and Elephant Ear.

Trong đó, những cái tên làm nên “huyền thoại” về độ luxury của bọt biển phải kể đến anh em khác cha không cùng mẹ Mediterrranean Fine Silk (là loại cao cấp và mịn hơn cả loại Silk) và Atlantic Silk, vốn được ứng dụng nhiều nhất vào ngành công nghiệp làm đẹp cần bảo toàn sự mỏng manh và nhạy cảm cao của phụ nữ nhờ độ mịn và mượt vượt trội so với các loại còn lại. Atlantic Silk phát triển tự nhiên ở Đại Tây Dương và có sản lượng cao nhất tại vùng Florida Mỹ, trong khi đó, bọt biển Địa Trung Hải lại là “sản vật” địa phương của khu vực biển Địa Trung Hải và vùng biển Aegean được xuất khẩu sang Mỹ. Về hình thức và chức năng của hai loại bọt biển này khá giống nhau, tuy nhiên bọt biển Địa Trung Hải có cấu trúc mềm, nhẹ và xốp cao hơn, độ thấm hút tốt hơn cũng như nguồn cung không dồi dào bằng bọt biển Atlantic và thời gian sinh trưởng lâu hơn nên giá thành của chúng vì thế cao hơn và luôn là ưu tiên hàng đầu trong dòng bọt biển silk sea sponges. Ứng dụng tốt nhất của bọt biển Địa Trung Hải chính là dùng làm bông tẩy trang, bông phấn trang điểm, tẩy da chết cho mặt, dùng để tắm cho trẻ sơ sinh (mà không cần dùng đến cả xà bông tắm).

Ngoài ra ở Địa Trung Hải còn có một loại tảo khác có kích thước lớn hơn, gọi là Honeycomb, được mệnh danh là King of Sea sponge vì ứng dụng phong phú của nó trong nhiều ngành công nghiệp. Đặc biệt, honeycomb có độ dai, độ bền và độ thấm vô cùng lý tưởng, kích thước lại lớn hơn các loại bọt biển cùng địa phương như Fine Silk nên có thể làm bông tắm cho người lớn & trẻ nhỏ , tẩy tế bào chết body dịu nhẹ và massage vô cùng thư giãn. Để đạt đến kích thước lý tưởng sử dụng là khoảng từ 5inches – 7inches, một cụm honeycomb phải mất từ 4-5 năm hình thành. Do đó, giá trung bình của một miếng tảo Honeycomb bán trên thị trường hiện nay là khoảng hơn 15 bảng Anh cho kích thước 5-5,5 inches.

  • Bọt biển sau khi thu hoạch và xử lý, sấy khô thường để được rất lâu. Do đó, thời hạn sử dụng bọt biển phụ thuộc rất nhiều vào cách bảo quản và sử dụng chúng.
  • Trước khi sử dụng, ngâm bọt biển vào nước ấm (nếu không có nước ấm thì dùng nước lạnh cũng được) để bọt biển hút nước và mềm ra. Vắt ráo nước.

Để kéo dài tuổi thọ của miếng bọt biển:

  • Sau khi sử dụng, rửa sạch bọt biển, vắt ráo và để khô tự nhiên. Mỗi 2-3 tuần ngâm bọt biển vào một cốc nước ấm pha với 1 muỗng canh baking soda khoảng 15 phút rồi lại rửa sạch và để khô tự nhiên.
  • Bọt biển tự nhiên ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn, nhưng không ngăn chặn được sự xâm nhập của vi khuẩn, do đó, để khử trùng miếng bọt biển, bạn có thể áp dụng các cách sau:

– Ngâm bọt biển vào một chén nước pha với oxy già theo tỷ lệ 1:1/4 giúp làm sạch và tái tẩy trắng bọt biển nếu nó bị đổi màu trong quá trình sử dụng.
– Ngâm bọt biển vào một chén nước pha với 5 giọt tinh dầu tràm trà. Tinh dầu tràm trà có tính sát khuẩn và khử mùi rất tốt.

– Ngâm bọt biển vào một chén nước ấm pha với 1 muỗng canh giấm táo hoặc giấm trắng.

Lưu ý: Không bao giờ cho bọt biển nước sôi, lò vi sóng, hoặc dùng máy sấy để sấy khô bọt biển. Bạn cũng không nên xoắn hoặc xé bọt biển khi sử dụng. Sau một thời gian sử dụng, nếu thấy bọt biển có dấu hiệu xơ xác, dùng kéo cắt bỏ bớt phần rìa bên ngoài chứ không nên xé nó ra.
Đặc biệt, không dùng thuốc tẩy để làm trắng bọt biển.

 

Bọt biển Honeycomb size L có thể dùng làm bông tắm cho trẻ nhỏ trên 1 tuổi và người lớn, tẩy tế bào chết cho body, massage body tư giãn, bông tắm cho thú cưng…

Thông tin bổ sung

Xuất xứ

Địa Trung Hải – Hy Lạp